Giáo dục đạo đức là một nhiệm vụ quan trọng của người giáo viên chủ nhiệm lớp vì đạo đức chính là cái gốc của mỗi con người. Giáo dục học sinh theo 5 điều Bác Hồ dạy và thực hiện tốt các nhiệm vụ của người học sinh là định hướng trong mục tiêu giáo dục của mỗi nhà trường.
Ở bậc tiểu học, học sinh rất trong sáng, ngây thơ, tâm hồn các em còn như một tờ giấy trắng. Do đó, việc giáo dục đạo đức càng đóng vai trò quan trọng hơn vì hoạt động này giúp học sinh hình thành và phát triển nhân cách, có kĩ năng sống, kĩ năng giao tiếp và ứng xử. Ngày nay, việc giáo dục đạo đức cho học sinh gặp không ít khó khăn vì chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển phức tạp, học sinh được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin đa chiều. Chính vì vậy các em có thể tiếp thu được những điều tốt, nhưng cũng dễ dàng lây nhiễm những cái xấu.
Sinh thời Bác Hồ đã nói :
Ngủ thì ai cũng như lương thiện.
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền.
Hiền dữ phải đâu là tính sẵn.
Phần nhiều do giáo dục mà nên.
Câu nói đó của Bác đã khẳng định vai trò quan trọng, quyết định của giáo dục trong việc hình thành nhân cách của mỗi con người. Trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học, giáo viên chủ nhiệm giữ vai trò quan trọng hơn các bậc học khác. Nhất là với trường tôi, một trường bán trú, học sinh học tập sinh hoạt ở trường từ sáng tới chiều nên giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ dạy dỗ, uốn nắn các em những bài học đạo đức, là người bạn gần gũi để các em bày tỏ những suy nghĩ của bản thân, giúp các em tiến bộ trong học tập và cuộc sống.
Trong giáo dục đạo đức cho học sinh, trước hết người giáo viên chủ nhiệm phải là tấm gương sáng cho các em noi theo. Mỗi hành vi, cử chỉ, lời nói của giáo viên chủ nhiệm đều có tác động lớn đến các em vì các em luôn nghĩ cô giáo mình là người giỏi nhất là người luôn đúng. Chúng ta thử nghĩ mà xem, ta không thể giáo dục học sinh đi học đúng giờ trong khi giáo viên chủ nhiệm lại đến lớp muộn.
“ Muốn giáo dục con người thì phải hiểu con người về mọi mặt”. Vì thế việc tìm hiểu tình hình, đặc điểm của lớp và hoàn cảnh của học sinh là việc làm đầu tiên ngay sau khi tôi nhận lớp. Tôi còn nhớ mãi kỉ niệm về năm đầu tiên làm công tác chủ nhiệm, hồi đó lớp tôi có em Hải, hàng ngày đến trường em đều ăn mặc rất luộm thuộc, thường xuyên thiếu đồ dùng, sách vở. Cậu bé không chỉ lười học mà còn hay gây gổ với bạn bè. Dù tôi đã nhẹ nhàng khuyên bảo và nghiêm khắc nhắc nhở nhưng em vẫn không tiến bộ. Một lần do không giữ được bình tĩnh tôi đã nặng lời với em, em đã oà khóc và nhìn tôi với ánh mắt đầy oán trách. Lúc đó, tôi cảm thấy bất lực nhưng ánh mắt của em làm tôi phải băn khoăn và tôi quyết định đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh của em. Đến nơi, tôi mới được biết hoàn cảnh gia đình Hải thật khó khăn: Mẹ mất từ năm em học lớp 1, bố ốm đau lại thường xuyên rượu chè nên không bao giờ quan tâm, chăm sóc cho em. Từ đó, tôi đã gần gũi chia sẻ, thương yêu Hải như một người em trai và vận động học sinh trong lớp cùng giúp đỡ em. Nhờ đó, em đã có những tiến bộ rõ rệt. Đó là bài học kinh nghiệm đáng nhớ trong công tác chủ nhiệm của tôi.
Khi ta trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương; khi ta gieo thói quen tốt sẽ gặt được những nhân cách tốt. Vì vậy hãy giáo dục đạo đức cho học sinh bằng các biện pháp giáo dục tích cực: Khen thưởng, động viên kịp thời khi các em có tiến bộ dù nhỏ, xử lí công minh những vi phạm của học sinh, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của trẻ, tránh dùng những lời lẽ làm tổn thương các em. Hãy cho các em có cơ hội để thể hiện bản thân mình bằng cách xây dựng và phát triển đội ngũ tự quản của lớp, giao việc cho tất cả các em, cùng các em xây dựng nội quy của lớp. Hãy để học sinh biết sống trong tập thể, vì tập thể thông qua việc tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ, thi cắm trại và thi thể dục thể thao, thực hiện các hoạt động công ích, bảo vệ môi trường. Giáo dục các em bằng những gương người tốt, việc tốt để các em biết rằng cuộc đời này cần biết bao những nhân cách tốt đẹp đó.
Không chỉ vậy giáo viên chủ nhiệm cần giúp cha mẹ nắm bắt đầy đủ các thông tin của con mình bằng việc trao đổi thường xuyên với cha mẹ, cần tạo điều kiện để cha mẹ và các lực lượng giáo dục khác được tham gia vào các hoạt động của lớp, của trường để cùng bàn bạc, kết hợp giáo dục học sinh thống nhất và hiệu quả.
Công tác giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, bình tĩnh, mềm mỏng và phải thật sự hiểu trẻ, là người bạn cuae trẻ. Nhưng tôi tin chắc rằng tất cả những giáo viên chủ nhiệm có tâm huyết với nghề, có tình yêu thương trẻ đều muốn làm tốt công tác này. Thật hạnh phúc biết bao khi mỗi chuyến đò qua sông thầy lại có thêm nhiều niềm vui mới vì đã góp sức mình đào tạo ra những nhân cách tốt đẹp cho đời.
Tác giả: Nguyễn Thị Nga – GV lớp 5 trường T.H Nam Đào